Hoa mai ở miền nam, cũng giống như hoa đào ở xứ bắc, là “đệ nhất hoa xuân” hay “chúa hoa xuân”. Mà nào phải chỉ là mùa xuân chung chung, hai loài hoa này có đỉnh điểm nở rộ vào ngay những ngày Tết nguyên đán. Và có thể mạnh miệng nói mà hỗng sợ bị ném đá rằng ngày Tết sẽ vô vị, buồn tẻ nếu không có sắc mai vàng rực rỡ, đào hồng phơn phớt.
Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Ông bà mình dạy như vậy mà. Chơi hoa còn kỳ khu khó khăn hơn, bởi cái tính õng ẹo, nhõng nhẽo bẩm sinh của các nàng hoa. Hoa càng mỹ miều, càng kiêu kỳ thì càng khó chịu (ngôn ngữ thời đại gọi là “chảnh”); dường như hoa một gốc hay hai cẳng giống hệt nhau ở cái vụ này.
Trong suốt gần một năm trời sau khi hoàn thành nhiệm vụ ngày Tết, cây hoa mai “thập diện mai phục” ở một góc nào đó trong khu vườn, mặc cho các loài hoa khác đua nhau phô diễn nhan sắc cả năm. Để mai nở vào đúng ngày Tết, trên cả tuyệt vời là từ chiều tối 30 Tết và rộ vào ngày mùng 1 Tết, rồi duy trì phong độ suốt mấy ngày Tết, người chơi hoa phải biết phối hợp nhịp nhàng với thời tiết. Lại là một nét độc đáo nữa, vì một châu mai nở rực rỡ vào đúng ngày Tết là một tác phẩm tổng hòa những nỗ lực của thiên nhiên và con người.
Cây mai vào tháng chạp vẫn um tùm xanh lá – kết quả của một năm được ương tưới, chăm bón. Công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất để canh me cho mai nở đúng Tết là tuốt lá, loại bỏ hết các lá già, vốn vừa không đẹp mắt, vừa bị coi là ngăn cản hoa nở. Thường là bắt đầu tuốt lá mai từ sau rằm tháng chạp. Đây là một nghệ thuật đòi hỏi sự hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm của người chơi mai. Tùy theo tình trạng “sức khỏe” của cây mai, thời tiết cuối năm và dung mạo những mầm hoa (hay nút hoa) mọc ở kẽ nách lá mai, người chơi mai quyết định thời gian tuốt lá mai để làm sao các mầm hoa bung vỏ trấu và nụ hoa xuất hiện lớp vỏ lụa vào đúng ngày đưa ông Táo (23 tháng chạp). Vì thông thường thì 7 ngày sau khi xuất hiện vỏ lụa, các nụ mai sẽ bung nở. Đó là thời điểm đêm Giao thừa.
Hoa mai với màu vàng rực rỡ làm tươi vui cả trời xuân. Màu vàng là màu hoàng kim, màu sang trọng, màu tốt đẹp. Cái tên mai trùng với chữ “may” theo cách đọc của người Nam bộ, nên được coi là cây may mắn.
Bởi vậy, nhà nào cũng muốn giữ cho hoa mai luôn tuơi sắc và trụ được suốt mấy ngày Tết. Ngặt một nỗi, ương cho mai nở rộ đúng Tết đã khó, mà giữ cho mai lâu tàn cũng chẳng dễ chút nào. Giai nhân vốn mỏng manh và sự sở hữu nàng cũng mong manh. Hoa mai rất dễ rụng cánh, gió thổi hơi “vũ phu” một chút cũng đủ cho những cánh hoa rơi lả chả như nước mắt Tây Thi. Mà mai rụng sớm gây buồn vô số kiểu, từ thực tế cho tới tâm linh. Mai rụng ngày Tết làm nhà mất đẹp, dơ nhà và còn bị coi là giảm cái điềm may mắn cho gia chủ.
Vì thế, từ xưa thiệt là xưa, người chơi mai đã phải dày công tìm cách để giữ cho hoa mai bền lâu. Hồi xưa chuyện này là nghệ thuật, còn thời nay nó còn là kỹ thuật. Nghe nói trong nhiều năm qua, các nhà khoa học ở Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu dùng các biện pháp khoa học để giữ hoa mai lâu rụng.
Chẳng biết kết quả ra sao, nhưng riêng tôi thì từ nhiều năm nay vẫn sử dụng một loại dung dịch giữ cho hoa mai lâu rụng do thạc sĩ nông hóa Tống Mai Triều ở Vĩnh Long nghiên cứu chế ra. Đó là dung dịch Super A-Z của cơ sở Thảo Trâm, sản xuất từ hơn 10 năm nay. Mấy năm đầu thì còn loạng choạng, chập cheng, sau này thì chế phẩm này đã hoạt động ổn định. Chỉ cần pha Super A-Z (ống nhựa 5ml) với nửa lít nước rồi phun sương đều lên hoa mai sắp nở hay đang nở, ta có thể giữ cho hoa mai vẫn tươi roi rói, chớ hề rụng cho tới tận hết “mùng” (10 ngày Tết), thậm chí ra “mền” (sau mùng 10 Tết). Kinh khủng lắm kìa, tôi đã chứng kiến cảnh các nàng hoa mai vẫn “ngoan cố bám trụ” trên cành trên yên xe honda chở những chậu mai về nhà vườn an dưỡng sau đợt phục vụ Tết.
PHP và chậu mai vào ngày mùng 10 Tết Quý Tị 2013 (sau khi cây mai này đã được phun chế phẩm Super A-Z từ mùng 2 Tết).
Ban đầu tôi nghĩ rằng người ta dùng hóa chất để “keo hóa” các hoa mai dán dính chúng vào cành như kéo dán sắt hiệu Con Voi. Như vậy thì các nụ hoa sẽ không nở được nữa và cây mai có thể bị suy hại sau này. Nhưng hỗng phải vậy. Các nụ hoa vẫn nở bình thường và cây mai vẫn sống an, sống khỏe, sống lành mạnh để Tết năm sau “đến hẹn lại lên”. Tôi nói bằng thực tế trải nghiệm của mình à nghen.
Bên phải là Thạc sĩ Tống Mai Triều (tác giả của chế phẩm chống rụng hoa mai Super A-Z) và PHP tại Saigon ngày 24-1-2014.
Tối 24-1-2014, do một duyên kỳ ngộ (hiểu là kỳ cục và ngộ nghĩnh cũng hỗng sao), nhà phát minh ra chế phẩm Super A-Z là thạc sĩ Triều tới nhà tôi chơi, không quên mang theo tặng “hàng độc” của mình để tôi xài Tết.
Cậu Năm Triều cho biết Super A-Z đã được thử thách hơn 10 năm tại các tỉnh thành ở miền Nam. Xưởng sản xuất đặt tại Vĩnh Long và sản phẩm được kiểm nghiệm chặt chẽ, có chứng nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Cậu giải thích rằng khác với các loại cây trồng bình thường, các chế phẩm nông hóa có thể xê xích chút đỉnh về liều lượng công thức; các loại hoa rất nhạy cảm, không pha chế chính xác thì chế phẩm có thể làm hại cho hoa.
Cơ chế hoạt động của chế phẩm Super A-Z là dùng chất hóa học để bồi bổ và kích thích hoạt động sinh học của hoa, giữ nó tươi và bền lâu. Theo cậu Năm Triều, muốn hoa không rụng thì phải làm thế nào ngăn chặn hoặc hạn chế tối đa sự thành lập tầng rụng nơi cuống hoa. Một khi tầng này hình thành và hoat động thì hoa sẽ xảy ra hiện tượng tàn và rụng. Còn muốn giữ hoa tươi lâu trên cây thì phải làm thế nào cho cây hấp thu nước và các chất dinh dưỡng đem lên cánh hoa thật đầy đủ. Ngay trong thành phần chế phẩm Super A-Z này đã có một lượng chất dinh dưỡng đủ loại từ hợp chất Hoagland A-Z rất hoàn hảo và cân đối. Tuy nhiên sẽ càng hiệu quả hơn nếu cây mai sau khi phun chế phẩm này được chăm bón, tưới nước tốt. Chế phẩm cũng công hiệu trên các cành mai được cắt ra cắm trong bình có nước. Đặc biệt, nếu cây mai đang bị rụng hoa, sau khi phun thuốc vào 2 giờ là nó bắt đầu ngưng rụng và kéo dài thời gian hoa tươi trên cây hơn 10 ngày.
Tác giả của Super A-Z cho biết chế phẩm có mùi thơm dễ chịu, không ảnh hưởng môi trường và sức khỏe con người.
Thạc sĩ Triều khẳng định rằng chế phẩm Super A-Z không gây tổn hại gì cho bản thân cây mai. Nhưng ông khuyến cáo rằng sau đó, chủ mai cần chú ý bón phân cho cây mai tốt hơn vì trước đó dưỡng chất trong đất trồng đã bị cây mai hút tối đa để nuôi các đóa hoa.
Trong thời gian qua, chế phẩm Super A-Z đã được thử nghiệm và có công hiệu đối với các loài mai, bông giấy, đỗ quyên và sứ Thái Lan. Tác giả chưa có điều kiện để thử nghiệm trên những loài hoa khác. Ông than rằng thử nghiệm trên loài mai mất nhiều thời gian và công sức vì hoa mai nhạy cảm và mỗi năm chỉ có một mùa vào dịp Tết. Nay thì mọi chuyện đã ổn định.
Chế phẩm Super A-Z vào dịp Tết Giáp Ngọ 2014 này được bán với giá 60.000 đồng một ống 5ml, đủ xài cho một cây mai cao 1,5 tới 2 mét. Cơ sở Thảo Trâm của thạc sĩ Triều có chi nhánh ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành miền nam, có thể giao hàng qua bưu điện. Địa chỉ có ở website http://bongmaitet.blogspot.com/.
Vốn là người yêu mai (cả Mai viết hoa lẫn mai viết thường), tôi xin chia sẻ chút trải nghiệm thực tế của mình với các bạn “đồng bịnh” với tôi.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 25-1-2014)